Văn mẫu lớp 12

Phân tích tâm trạng của Hồ Xuân Hương trong Tự Tình 2

Phân tích tâm trạng của Hồ Xuân Hương trong Tự Tình 2

Bài làm

Khi bắt gặp “Mời trầu”, “Bánh trôi nước”, “Duyên kỳ ngộ, “Tự tình”… người ta bỗng giật mình về một “hiện tượng độc đáo” nhất của thơ ca trung đại – Hồ Xuân Hương. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với bài thơ “Tự tình II”. Bài thơ đã thể hiện tâm trạng Hồ Xuân Hương vừa đau thương vừa phóng khoáng, ẩn chứa sức sống tiềm tàng mãnh liệt:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Cuộc đời Hồ Xuân Hương đã khẳng định tính chính xác trong quan niệm “hồng nhan bạc phận” mà Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… thường nhắc. Hồ Xuân Hương không chỉ xinh đẹp, xuất thân gia giáo mà còn tính phóng khoáng, giao thiệp rộng, tài văn thơ uyên bác. Hai lần duyên phận lỡ dở, Hồ Xuân Hương thấu hiểu kiếp làm lẽ. Bao nhiêu chất chứa trong lòng, nữ thi sĩ gửi cả vào thi phẩm “Tự tình II”. Bài thơ thể hiện tâm trạng người phụ nữ trong đêm khuya tự thương cho thân phận hẩm hiu của mình.

Hai câu thơ đầu là không gian và tình cảnh hiện tại của con người:

Xem thêm:  Phân tích tình huống tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân

“Canh khuya văng vẳng trống canh đồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Thời gian ở đây là “canh khuya” và không gian là tiếng trống điểm giờ “văng vẳng” mở ra phông nền ảm đạm, u uất. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong dáng dấp “hồng nhan”. Hồng nhan chỉ người phụ nữ đẹp, đẹp cả bề ngoài và tâm hồn. Tuy nhiên, hồng nhan lại gắn với trạng thái “trơ”. Trơ tức là trơ lì, trơ trọi, yên như phỗng, không cảm xúc, không động thái. Thậm chí, theo văn hóa dân gian, trơ còn gắn với sự trơ tráo, trơ trẽn, mang ý tiêu cực. Làm sao một người hồng nhan lại là xấu, là không tốt? Nó thật chẳng khác nào cái nỗi “kỳ oan” mắc phải chỉ vì “nét phong nhã” mà Nguyễn Du đề cập trong “Độc Tiểu Thanh kí”. Như vậy, tâm trạng con người đang ở trạng thái xúc cảm từ bỏ.

Phân tích tâm trạng của Hồ Xuân Hương trong Tự Tình 2

Hẳn là có điều gì nén nhịn nhiều lắm, vậy nên nhân vật “mượn rượu giải sầu”:.

“Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.”

Nếu đúng như ý thơ chỉ là đưa ngửi hương rượu, vậy thì con người khó mà say được? Người phụ nữ say điều gì? Tôi đoán… người đang cố tình say, người muốn chìm vào giấc mộng mị dài, quên đi thực tại. Thế nhưng, càng muốn say lại càng tỉnh táo, càng muốn quên thì lại không sao quên. Vầng trăng sáng đoàn viên tri kỉ ngàn đời của các nghệ sĩ nay cũng nhuốm màu tâm trạng nhân vật. Trăng đang ngả dần, khuất bóng. Hẳn rằng trăng cũng qua thời hoàng kim. Hơn nữa, trăng đã “khuyết” lại còn “chưa tròn”. Trăng cũng như thi sĩ, hai lần lỡ dở mà chẳng thấy đươc viên mãn, vậy nên trăng vốn đã khuyết nay còn đợi mãi chẳng được tới ngày “tròn” vẹn.

Xem thêm:  Phân tích bài ca dao: Ước gì sông rộng một gang. Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi

Đã quá chán trường, người phụ nữ dường như muốn phản kháng:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Những động từ mạnh “xiên ngang” và “đâm toạc” và ngắt nhịp 4/3 cùng câu thơ toàn thanh trắc thể hiện trạng thái mất kiểm soát. Nhà thơ hóa thân vào loài rêu để vùng dậy “xiên” đất. Nhà thơ hóa thân vào đá để “đâm toạc” tới trời. Nữ thi nhân muốn lật đổ hoàn toàn thứ chế độ trọng nam khinh nữ, nhiều lễ giáo khắt khe kia để tới khoảng trời tự do, thỏa mãn khát vọng.

Đáng tiếc, cuộc “cách mạng” ấy chẳng thành công:

“Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Thực tại phũ phàng hiển hiện. Tuổi xuân đang qua đi. Người chẳng thể làm được gì. Người chỉ có thể ngồi thở than mà oán trách, uất hận, khát vọng, điên cuồng rồi lại tự mệt nhoài. Cái khiến người ta xót xa nhất chính là tâm trạng thấm thía của một người phụ nữ làm vợ lẽ. Chỉ độc “mảnh tình” nhỏ bé mà phải đem “san sẻ” đến mức tối thiểu “tí con con”. Có ai thấu hiểu được tâm trạng đó?

Tóm lại, bài thơ “Tự tình II” theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng có nhiều phá cách trong niêm luật gieo vần và đối thanh âm, sử dụng ngôn từ độc đáo, giọng thơ thay đổi linh hoạt, hình ảnh giàu sức biểu đạt. Qua đó, ta thấy nỗi niềm của người phu nữ chịu nhiều bất công, ngang trái, tủi hờn. Người ta thấy nữ thi nhân phóng khoáng và mạnh mẽ. Còn riêng tôi, tôi chỉ nghe thấy tiếng oán khóc tỉ tê trời không thấu, đất không nghe.

Post Comment