Thuyết minh về rừng U Minh Hạ – Bài 1
Ai đã có dịp ngồi trên chiếc vỏ lãi xuôi dòng sông Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc, len lỏi dưới tán tràm xanh, lau trắng bạt ngàn của rừng U Minh Hạ, hẳn khó quên vẻ đẹp nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Tạm rời xa chốn thành thị khói bụi ồn ào, đến với vùng quê sông nước Cà Mau để cảm nhận tình người hiền hòa, chân chất, để hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, làm món cá lóc nướng trui và nhâm nhi ly rượu đế, nghe kể chuyện bác Ba Phi.
Đất rừng U Minh Hạ xưa nay mệnh danh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, có thể làm chùn chân những kẻ yếu bóng vía. Những năm gần đây, cũng nhờ những đặc điểm tự nhiên còn hầu như nguyên vẹn, U Minh Hạ đã trở thành điểm đến thú vị, thu hút khách tham quan, thư giãn, khám phá. Hơn tám nghìn ha rừng tràm của Vườn quốc gia U Minh Hạ phủ một mầu xanh tươi mát, chạy dài tít tắp đến tận chân trời, không khí trong lành, mùa nào thức nấy. Bao bọc chung quanh còn có 25 nghìn ha rừng và đất vùng đệm, các loài động, thực vật vô cùng phong phú, sinh động.
Từ cửa rừng (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), con đường láng nhựa phẳng lỳ, sạch sẽ, dẫn du khách chạy bon bon qua đài quan sát cao tới 24 mét. Trèo lên đỉnh, có thể phóng tầm mắt, ngắm nhìn một vùng trời mây, sông nước trù phú bao la bốn phía. Qua thuyết minh của người gác rừng, ta biết Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rừng tràm nơi đây đã trung dũng, kiên cường chở che cho vùng căn cứ cách mạng, có đóng góp quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Với những đặc thù tự nhiên và lịch sử đó, gần đây tỉnh Cà Mau quan tâm đầu tư vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của rừng U Minh Hạ, như: làm đường, giao đất khoán rừng, tăng cường hệ thống phòng, chống cháy rừng… vừa tạo thuận lợi cho đời sống nhân dân, vừa phát triển du lịch.
Ở U Minh Hạ, du khách có thể thuê vỏ lãi (tên một loại xuồng) để men theo mạng lưới kênh, rạch chằng chịt, hoặc cũng có thể đi bộ xuyên rừng (với điều kiện phục trang phù hợp, trang bị chống muỗi). Dưới tán tràm rậm rạp, giữa ngút ngàn lau sậy trổ bông trắng tinh là nơi cư ngụ của vô số loài động vật hoang dã như nai, heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê… trong đó nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ. Và trong dòng nước óng ánh mầu xanh đen ấy là khoảng 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ tung tăng bơi lội. Nếu hứng thú, có thể nhờ người dân giúp giăng lưới hoặc tự tay câu cá. Tóm gọn mấy chú cá lóc, cá bông nặng khoảng 1 đến 2 kg ở U Minh Hạ là chuyện không quá khó khăn. Rồi sau chuyến đi rừng, chủ khách cùng ngồi chế biến và thưởng thức các món ăn dân dã thơm ngon lừng danh, như: cá lóc nướng trui, lươn um lá nhàu, chuột đồng chiên, rắn bông súng nướng mọi… chấm muối hạt dầm với ớt xanh.
Trúng mùa nước nổi thì ở đâu đâu cũng dễ dàng hái lá sen non, bông súng, bồn bồn, đọt cóc kèn… là những loại rau đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, vừa ngon, bổ, lại rẻ. Lại được nghe những giai thoại, truyền thuyết về bác Ba Phi ngay trên quê hương của nhân vật có tài nói dóc lừng lẫy xứ Nam Kỳ lục tỉnh ngày xưa. Chưa hết, những tay thợ săn thiện nghệ, thợ đi rừng một thời ngang dọc nơi rừng sâu nước thẳm cũng sẵn sàng kể chuyện của “thần rừng”, chuyện gặp rắn khổng lồ, cá sấu khổng lồ… đầy bí ẩn, ly kỳ. Thư giãn hơn một chút, thì ngả lưng trên chiếc ghế mây của khu nhà sàn, nghe những điệu đờn ca tài tử trữ tình, êm ái.
Rừng là nguồn sống, là báu vật của người dân xứ này. Rừng sản sinh ra nguồn sản vật dồi dào, phong phú, vừa bảo vệ, vừa tạo nguồn thu giúp họ nuôi sống gia đình. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến loại mật ong hoa tràm nức tiếng của rừng U Minh Hạ, thứ mật trong và vàng như nước cam, đặc sánh, thơm ngào ngạt hương vị của hoa tràm, mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe.
Thông thường, vào cao điểm mùa khô là tháng ba, tháng tư hằng năm, rừng U Minh Hạ sẽ hạn chế khách tham quan để thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, ở mọi thời điểm khác, rừng đều mở cửa đón khách. Ngày thong thả dạo chơi, ngắm cảnh giữa những cánh rừng tràm hoang sơ, đêm xuống đi soi cá, đổ trúm, bắt chuột đồng… hứa hẹn là những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách đến với nơi đất rừng phương nam.
Thuyết minh về rừng U Minh Hạ – Bài 2
U Minh Hạ vốn ly kỳ qua những thước phim Ðất Phương Nam, hay những câu chuyện hài hước của bác Ba Phi, ông vua nói dóc Nam Bộ… về một vùng đất hoang sơ và đầy thử thách với các bậc tiền nhân khai phá, nhưng cũng hào phóng như câu ca dao “Ở đâu bằng xứ lung tràm/ Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm”. Bởi vậy mà, một chuyến du lịch rừng U Minh Hạ (Cà Mau) luôn có sức hút đặc biệt với khách thập phương.
U Minh Hạ thuộc địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích 8.527,8ha, chia thành: Phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn 2.592,6ha; Phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái ngập nước 5.134,2ha; Phân khu dịch vụ hành chính 801ha. Và vùng đệm 25.000ha.
Đây là một trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, ngày 25/06/2009, Vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Mũi Cà Mau.
Đến tham quan vườn quốc gia U Minh Hạ, du khách khó mà bỏ qua tiết mục leo lên đài quan sát cao tới 24 mét, nơi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm rộng mênh mông, xanh bát ngát, trải dài tít tắp đến tận chân trời.
Rồi du khách xuống thuyền vỏ lãi, lướt nhẹ trên mặt nước đậm màu sóng sánh, len qua thảm bèo dày đặc, đi giữa ngút ngàn lau sậy bung cờ trắng xóa, tiến vào vùng xanh thăm thẳm của rừng tràm U Minh Hạ. Chốc chốc lại bắt gặp những cánh chim chao liệng, khi sà xuống, lúc bay vút lên cao như đang trình diễn vũ điệu hoang dã. Tới khu vực rừng tràm cổ thụ, ánh nắng xiên qua những thân tràm cao thiệt là cao, phủ kín dây leo như những cọc tiêu khổng lồ, điểm xuyết những tổ chim treo lủng lẳng… tất cả tạo nên một khung cảnh vừa đẹp vừa thâm u, kỳ bí.
Du khách cưỡi ngựa xem hoa là vậy, còn để thử những cái “hay ho” trong chuyến khám phá Vườn quốc gia U Minh Hạ thì nhiều, tùy theo mức độ “lăng xả”. Bạn có thể thuê xuồng vào rừng câu cá, cơ may câu dính vài chú cá lóc trên dưới 1kg, thậm chí 2-3kg là chuyện cũng thường. Hay tùy thời điểm, mà bạn có thể tham gia cùng người dân vào rừng đặt trúm bắt lươn, đặt lờ bắt cá…, đi hái đọt choại, bồn bồn, sen, súng, đọt cóc kèn…
Đặc biệt, dưới tán rừng, loài ong cần mẫn hút mật từ những nhụy bông tràm mang về tổ, hàng năm cho khai thác sản lượng lớn. Vào mùa ăn ong từ tháng 12 đến tháng 6, đến tham quan rừng U Minh Hạ bạn sẽ có dịp theo chân những người thợ gác kèo vào rừng lấy mật, vừa là trải nghiệm lý thú vừa được thưởng thức món ong non vừa cắt xuống, chấm thêm tí mật vàng óng dẻo quánh thì ngọt thanh đến thao đầu lưỡi.
Sau chuyến xuyên rừng U Minh Hạ trở về, ngồi trên gian nhà sàn dưới tán cây rợp mát, lai rai cá lóc nướng trui hay rắn bông súng chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh! Cùng nhiều món ăn đặc sản của xứ rừng tràm như cá rô đồng nấu lẩu mắm, lươn um lá nhàu, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả hay nướng mọi, chuột đồng chiên… nhâm nhi cùng hương vị đậm đà của rượu trái giác, được mệnh danh là “vang rừng” U Minh Hạ.
Đêm xuống, giữa không gian thanh vắng của rừng U Minh Hạ, nghe tiếng gió thổi vi vu qua đồng bưng đầm lầy, tiếng chim kêu vượn hú, ta như sống lại một thời quá khứ, thuở tiền nhân khai khẩn đất phương Nam đầy bi tráng.