Văn mẫu lớp 10

Nghị luận câu nói: Những thói xấu ban đầu là khách lạ qua đường

Nghị luận câu nói: Những thói xấu ban đầu là khách lạ qua đường

Hướng dẫn

BÀI VIẾT SỐ 1 BÀN LUẬN VỀ Ý KIẾN “NHỮNG THÓI XẤU BAN ĐẦU LÀ NGƯỜI KHÁCH QUA ĐƯỜNG, SAU TRỞ NÊN NGƯỜI BẠN THÂN Ở CHUNG NHÀ VÀ KẾT CỤC BIẾN THÀNH ÔNG CHỦ NHÀ KHÓ TÍNH”.

Một bát đường đổ xuống ao chẳng ngọt thêm là bao nhưng một cốc nước thêm một muỗng đường lại ra mặn chát. Con người ta không thể vì một niềm vui mà hoan hỉ cả năm nhưng có thể vì một nỗi buồn mà rầu rĩ cả ngày. Nhìn thấy việc tốt thì chỉ lưu lại trong chốc lát nhưng với những chuyện xấu, con người lại rất nhạy cảm và bắt rất nhanh. Bởi thế mới có câu: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”.

Những “thói xấu” có thể hiểu là những thói hư tật xấu, những việc làm không đẹp, không hợp với suy nghĩ, nếp văn hóa hay có hại đối với con người. Trong cuộc sống, nhỏ thói xấu là chứng hay nghe và tán chuyện và nói xấu người khác, là sự nóng nảy, dễ mất bình tĩnh và kiên nhẫn, …- nghĩa là chỉ ảnh hưởng nhỏ đến mình và xung quanh. Lớn là sự vô tâm đến vô cảm, độc ác, sự ích cá nhân, trước nỗi đau người khác, là sự lừa dối, sống theo bản năng. Ban đầu, chúng chỉ là “người khách qua đường”- chúng ta thấy và không liên quan đến mình. Nhưng nếu không quan tâm để ý, chúng đã trở thành “người bạn thân ở chung nhà”- ở trong chúng ta, ta nuôi dưỡng những thói xấu và cuối cùng là “ông chủ nhà khó tính”- những thói xấu đã làm chủ, điều khiển ta như ông chủ hà khắc, vô lối. Câu nói viết về hành trình những thói hư tật xấu bắt đầu và phát triển trong con người như thế nào: từ xa lạ đến quen thuộc và rồi bị phụ thuộc, làm chủ.

Tấm huy chương nào cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh Thiên thần còn có Ác quỷ, bên cạnh rồng phượng thì dưới kia vẫn là rắn rết, sống chung với những điều tốt đẹp vẫn còn có những điểu chưa hay, chưa tốt. Đó là quy luật của cuộc sống, không thể phá bỏ.

Những thói quen xấu ấy, ban đầu chỉ là những “người khách qua đường” xa lạ. Đó là khi ta nhìn thấy cái xấu, cái ác lần đầu tiên: thói quen vứt rác, xả rác bừa bãi nơi công cộng, thói quen chửi tục, sự vô lễ khi gặp những người lao công, dọn cống hay người già lớn tuổi. Họ sẽ mãi là khách qua đường và lướt qua ta nếu ta không chú ý và khước từ họ. Nhưng không! Ta để họ vào nhà một cách dễ dàng bằng cách im lặng. Im lặng để người khác tiếp tục vứt rác, im lặng đi qua những người đã âm thầm hi sinh và cống hiến như những người khác đã làm. Và sự im lặng đồng nghĩa với thỏa hiệp, là nhượng bộ cho người khách kia bước vào cuộc đời ta. Albert Einstein nói rất đúng: “Thế giới này trở nên nguy hiểm, không phải bởi những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả”.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật viên cai ngục trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

Để rồi không biết tự lúc nào, người đó đã trở thành “người bạn thân ở chung nhà”. Con người luôn chịu ảnh hưởng bởi những thứ xung quanh mình. Sự im lặng đến lúc nào đó khiến cho chúng ta thấy những việc xấu kia trở nên rất bình thường và không có gì khi ta làm theo lẽ thường. Từ việc nhìn ta bắt đầu làm theo, như một lẽ đương nhiên. Xã hội Trung Quốc năm 2014 đã rúng động trước câu chuyện bé gái ba tuổi bị hai xe tải lần lượt cán qua người. Những người đi qua đường, người thứ nhất nhìn thấy, bỏ đi, rồi người thứ hai, thứ ba, … Trong 7 phút, em nằm giãy giụa trong vũng máu trước con mắt của 18 người qua đường và chết. Khi một người chạy ra “hôi” những chai bia từ một xe tải chở bia bị lật, lại có người thứ hai, thứ ba, … Và hàng chục người lao đến, nhặt nhạnh trong sự van xin của người tài xế. Lúc ấy, những thói xấu đã trở thành người bạn chung nhà với chúng ta.

Để rồi, không lâu nữa, căn nhà của chúng ta lại do người khách lạ mặt làm chủ, tâm hồn và con người chúng ta lại để những thói hư tật xấu điều khiển. Khi ấy, ta không còn là mình nữa. Một ngày nào đó, ta giật mình khi thấy mình vừa lướt qua một người ăn xin, không chỉ thờ ơ lướt qua nữa mà còn ném cho họ ánh mắt khinh bỉ và ghẻ lạnh. Một lúc nào đó, không chỉ đứng xem mà ta đã “xông” vào để cùng hùa theo những lời chế giễu, lăng mạ một người không quen nào đó mà không cần biết sự thực là gì. Đôi khi, tâm hồn ta lạnh đến không biết thế nào là lạnh nữa. Đôi khi, những tư tưởng và hành động xấu đã thành con người của ta, máu thịt của ta rồi. Ta không chối bỏ, không phản kháng mà lặng lẽ tuân theo tiếng nói của đồng tiền, của đám đông và danh lợi.

Trong cuộc sống này, cái chết không đang sợ. Đáng sợ nhất là ta chết ngay cả khi đang sống. Ta không còn là mình, sống theo vật chất và lợi ích, lẩn trốn trong sự lừa dối chính mình. Những tật xấu như những con mọt, lúc đầu chỉ có một chút rồi sau này gặm nhấm, nát cả chúng ta. Vì vậy, hãy bắt đầu diệt chúng từ những hành động nhỏ. Một cái nhìn kính trọng, một nụ cười trao cho mọi người, một cái ôm sẻ chia và đồng cảm. Một cái vỗ tay không thể tạo tiếng vang nhưng có thể kêu gọi những bàn tay khác cùng vỗ. Một cánh én không thể gọi mùa xuân nhưng đàn én có thể làm nắng xuân về. Nếu bạn không thể, người khác cũng không. Tại sao không là người bước đầu. Không gì hạnh phúc hơn là được làm chính mình, không điều gì tuyệt vời hơn là được nhân những điều tốt đẹp vào cuộc sống.

Xem thêm:  Soạn văn bài: Trường từ vựng

Cuộc sống này là của bạn. Đừng để ai làm chủ nó ngoài bạn, bởi chính bạn là thành quả do chính mình tạo ra.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 BÀI VIẾT SỐ 7 LỚP 10 ĐỀ 2: CÓ Ý KIẾN CHO RẰNG “ NHỮNG THÓI XẤU BAN ĐẦU LÀ KHÁCH LẠ QUA ĐƯỜNG, SAU ĐÓ LÀ NGƯỜI BẠN THÂN Ở CHUNG NHÀ VÀ KẾT CỤC TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ KHÓ TÍNH”

Khi đọc tác phẩm “ Chúa ruồi” của nhà văn Golding, ta không khỏi ấn tượng bởi ngòi bút luôn trăn trở về hai chữ Thiện, Ác trong mỗi chúng ta. Mầm mống của cái Ác là những điều xấu xa, bởi vậy có ý kiến cho rằng: “ Những thói xấu ban đầu là khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính”.

Thói hư tật xấu vẫn tồn tại xung quanh chúng ta, đó có thể là những hành động, việc làm sai lệch chuẩn mực đạo đức xã hội, không được mọi người chấp nhận. Mức độ tăng tiến của hình ảnh so sánh “ khách lạ qua đường, người bạn thân ở chung nhà, ông chủ khó tính” giúp ta hình dung rõ nét hơn thói xấu từng bước từ làm quen tới thâm nhập vào con người ta và sau cùng khống chế suy nghĩ, lời nói, cách cư xử của ta trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi ta vô tình, không để tâm để tật xấu tiêm nhiễm nhưng đến khi ý thức được điều đó chúng đã trở thành thói quen khó bỏ. Ý kiến không chỉ lời nhận xét thẳng thắn mà còn là bài học cảnh tỉnh về cách sống với mỗi người.

Các Mác từng nói: “ Trong trường kì lịch sử đấu tranh của nhân loại, cái thiện chỉ thắng cái ác trong nửa vòng bánh xe”, vì ranh giới giữa điều thiện và ác vô cùng mong manh. Khi ta tiếp xúc với cái xấu, lâu dần nó sẽ thấm vào con người, làm thay đổi nhân cách ta. Điều đáng buồn là những thói xấu tác động rất tiêu cực, mau chóng tới trẻ nhỏ bởi chúng như những tờ giấy trắng. Cậu bé Matchia sống trong nhà bầu Garopholi- một người chú dã man đắng cay nói rằng: “ Sống chung với người độc ác lâu ngày người ta cũng có thể hóa ra tàn nhẫn”, bằng chứng là cậu ta học những mánh khóe lừa lọc để khỏi bị ăn đòn. Chính khoảng cách nhỏ nhoi ấy mà ta không ngờ “ gần mực thì đen”. Sống trong một tập thể, không tránh khỏi những lời đàm tiếu, dị nghị, nói xấu người khác. Ban đầu đó chỉ là lời nói đùa, sau đó là sự soi mói, chê trách. Con rắn đố kị luồn lách vào góc khuất sai khiến ta sống ích kỉ, nhỏ nhen. Điều đó gây rạn nứt khối đoàn kết thậm chí là gây gổ khi sự việc phát giác. Đừng để tiếng nói của tật xấu kiểm soát hành vi của bạn. Bạn đã từng thản nhiên, tiện tay vứt rác trên đường, lớp học? Có lẽ lúc đó ta chưa từng nghĩ rằng mình đang “ chung tay” làm ô nhiễm môi trường. Hậu quả của việc làm ta không thể nhìn thấy trực tiếp nhưng nếu bạn để tâm thì biết bao bãi rác công nghiệp mọc lên, rác không đúng nơi quy định ảnh hưởng sức khỏe chính chúng ta, môi trường sinh thái bị suy kiệt. Từ lúc nào tật xấu xả rác bừa bãi đã “ ở chung nhà” với chúng ta?

Xem thêm:  Soạn bài lớp 11: Ngữ cảnh

Hoàn cảnh éo le khiến những thói xấu có cơ hội len lỏi vào cuộc sống của ta nhưng đôi khi giữa cuộc sống đủ dầy, tiện nghi sẵn có ta lại không biết trân trọng những điều tốt đẹp. Hiện nay vẫn còn thanh niên dùng hàng hiệu, sử dụng heroin để được xã hội nhìn nhận như những siêu nhân một cách mù quáng, muốn thể hiện cái tôi rất lớn, đến khi phạm tội họ lại quan tâm tới những bài báo viết gì về mình. Sự đua đòi, ảo tưởng ấy còn dẫn đến những việc làm nguy hiểm như thế nào tới xã hội? Chỉ đến khi chứng kiến vụ án hình sự ở Sài Gòn hành hung vì cướp tài sản, ta mới giật mình trước sự tha hóa ghê gớm trong nhân cách con người. Thói xấu dễ mắc phải, chúng lại khó loại bỏ khi trở thành “ ông chủ” sai khiến ta.

Là người không có ai hoàn hảo cả, tổng thống vĩ đại Abraham Lincoln cũng từng cao ngạo làm mất lòng người khác trước khi Người có cách ứng xử tài tình. Chúng ta cũng vậy thôi. Nếu không phải bây giờ thì là lúc nào ta nên thay đổi những nếp xấu trong bản thân mình? Cần thanh lọc chúng để ta có cuộc sống tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn. Bạn hãy nhớ rằng: “ Bớt xấu trước thêm tốt sau trong sự thay thế”, hãy gom nhặt, bồi đắp mỗi ngày những điều tuyệt vời xung quanh cuộc sống của bạn để những thói xấu không có khả năng trở thành “ người khách lạ, người thân ơ chung nhà, ông chủ khó tính”. Đôi khi, bạn và tôi nên dành thời gian đọc sách để trang viết di dưỡng tâm hồn ta giữa cuộc đời còn lắm ngổn ngang, xô bồ. Quá trình học tập, nỗ lực rèn luyện không ngừng, “gần đèn thì rạng” giúp ta đẩy lùi bóng tối của thói hư tật xấu.

Ý kiến nhắc nhở ta cách sống cảnh giác trước những thói xấu có thể tiêm nhiễm bất cứ lúc nào. Chúng ta cần ý thức rằng:

  •  “ Cái ác vỗ vai cái thiện
  •  Cả hai cùng cười đi về tương lai”
  • ( Trần Nhuận Minh)

Cuộc sống tích cực ngày hôm nay của ta vẽ đường đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Post Comment