Bài văn hay

Giấc mơ bằng lăng tím

Giấc mơ bằng lăng tím – Bài dự thi Cuộc thi Viết văn học trò

Bài làm

1. Mùa bằng lăng nở rộ. Những bông hoa nhẹ tênh với sắc tím mộng mơ đem lại cho ta cảm giác yên bình nhẹ tựa giấc mơ, khiến tâm hồn ta như lắng lại, trở về chốn yên bình nhất nơi tâm khảm trái tim, để rồi có được giây phút yên bình hiếm hoi giữa dòng đời nghiệt ngã với bao khôn cùng. Nắng đã lên cao, len lỏi khắp mọi ngõ ngách trong thành phố chật hẹp, kể cả cái hẻm nhỏ nơi có cây bằng lăng tím. Nắng hè làm cho con người uể oải, mệt nhoài, hút cạn sức sống sôi nổi, cuồng nhiệt của họ. Nhưng chính nắng lại trao thêm nguồn nhựa dạt dào cho cây bằng lăng. Nó như lung linh tỏa sáng giữa cái sắc vàng chói chang vô tận, phô ra cái tím giản dị, đơn sơ mà kiêu kì, nổi bật…

***

2. Người ta qua lại con hẻm chật hẹp này thường xuyên nhưng ít có ai nhàn rỗi mà ngẩng đầu nhìn lên, hương sắc tuyệt vời của những bông bằng lăng tím đầy sức sống. Và, càng ít có ai để ý tới một cô bé nhỏ bên dưới gốc cây. Chiều nào cũng vậy, em lặng lẽ đến bên gốc bằng lăng, ngồi dưới tán lá xanh mát, trầm ngâm nghĩ ngợi. Nhìn qua, cô bé đó – Thanh Hiên cũng không có gì đặc biệt so với bao đứa trẻ khác: Đôi mắt to, tròn, đen láy với cái nhìn mênh mông, dường như vô tận. Mái tóc đen óng cắt ngắn ngang vai, mỏng manh, tơ mềm… Nhưng trên khuôn mặt trái xoan nhỏ xinh của em lại có điều khác biệt – một vết sẹo dài loang lổ, xấu xí – thứ mà Hiên đã bao lần muốn vứt bỏ, thứ khiến Hiên mặc cảm, tự ti, bàng hoàng, nhục nhã, thứ khiến Hiên xa lánh với mọi người, xa lánh với thường nhật. Thanh Hiên ngồi đó, ngồi xổm dưới gốc bằng lăng, bên cạnh là một nhỏ với bộ lông trắng muốt xinh xắn, đáng yêu. Thỉnh thoảng, em lại đưa ánh mắt miên man nhìn lên bầu trời bao la đầy nắng, rồi chợt đưa tay lên má, vuốt ve, xoa nhẹ vết sẹo dài. Còn nhỏ tinh nghịch kia, đôi khi lại tung tăng chạy nhảy đi chơi, chạy đi khỏi con hẻm chật hẹp mà hòa vào chốn đô thị đông đúc. Thanh Hiên thấy thế cũng không thèm quát, không thèm nạt nộ gì, bởi, em đã quá quen với điều đó. không đi đâu lâu bao giờ cả, nó sợ Hiên buồn, sợ Hiên cô đơn, chốc lát là lại quay về dưới gốc bằng lăng, miệng còn cặp thêm một món quà nhỏ: khi thì bông hoa, lúc là quả trái… Thanh Hiên mỉm cười, nhận lấy món quà từ người bạn nhỏ, vuốt ve âu yếm, ân cần. Ngày nào, em cũng ngồi đó, bên cạnh là nhỏ, dưới gốc bằng lăng tím, ánh mắt khao khát đợi chờ, chan chứa . Mọi người sống dọc con hẻm ai ai cũng biết Thanh Hiên – cô bé mà luôn ngồi đó, duy nhất chỗ đó mà thôi – dưới tán bằng lăng!

Xem thêm:  Suy nghĩ về chủ đề Sống tỏa sáng

***

3. Ngày kia, có một cậu bé chuyển tới con hẻm nhỏ, nơi có gốc bằng lăng nhập cư, cậu ở cùng bố. Cậu bé đó tên Ân. Từ nhỏ, Ân đã mồ côi mẹ, đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, phải bươn chải mưu sinh với người bố vụng về, cứng nhắc. mới của Ân đơn xơ, mộc mạc, giản dị, bên trong đồ đạc chẳng có là bao. Và, ấy cạnh bên gốc bằng lăng.

***

4. Một chiều nọ, khi ánh nắng chói chang của tiết trời mùa hạ đã dịu đi ít nhiều, gió mơn man nô đùa trên mái hiên, Ân thơ thẩn dạo bước trên con hẻm nhỏ một mình. Tâm hồn cậu cứ bay bổng lên cao rồi lại chợt trở về với thực tại bởi những nỗi buồn mông lung từ đâu đó len lỏi vào trong suy nghĩ, chiếm đoạt hết những góc nhỏ trong tim – nơi chứa đựng bao niềm vui vô tư, bao ước mơ cháy bỏng của một đứa trẻ còn đang độ tuổi mới chớm vào đời. Chợt… Uỳnh! Ân va vào một con chó nhỏ có bộ lông trắng muốt. Cậu bé lồm cồm bò dậy, vội vàng vuốt ve nó, nhẹ nhàng, chu đáo. Bỗng, ngẩng đầu lên, cậu trông thấy cô bé nọ – Thanh Hiên. Hai đứa bé, hai thế giới, hai hoàn cảnh, hai số phận… nay lại gặp nhau. Vừa gặp mà như đã thân, đã quen tự bao giờ. Chúng cũng chạc tuổi nhau, bởi vậy mà quen thân dễ dàng. Song đặc biệt là Thanh Hiên, lâu nay em đã không còn muốn kết bạn, chơi đùa cùng với lũ trẻ con. Em sợ phải một lần nữa chịu nỗi đau chọc ghẹo, một lần nữa bị ghẻ lạnh, lánh xa. Giờ đây, giữa Hiên và Ân dường như không còn khoảng cách, sợi dây tình bạn vô hình như đang kéo lại gần nhau. Chúng tíu tít tay nắm tay, chạy lại dưới tán bằng lăng khoáng đạt, bên nhau. Thi thoảng, Thanh Hiên cất lên tiếng cười giòn tan đầy hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi, em mới có thể tìm lại nụ cười hồn nhiên, trong trẻo này – một nụ cười mà hình như đã lâu lắm rồi không ai còn thấy trên khuôn mặt trái xoan xinh xắn. Có lẽ, chỉ khi ở cạnh Ân, cuộc đời mới được coi là trọn vẹn, đối với Thanh Hiên.

Từ đó, Thanh Hiên và Ân luôn cạnh bên nhau, dưới tán bằng lăng. Thanh Hiên mê lắm những trò chơi mà Ân dạy. Nào là gấp những con hạc giấy lung linh, đủ sắc màu, để rồi thả vào một cái lọ trong suốt – lọ ước mơ của Thanh Hiên. Nào là cái trò vờn bắt, ú tim, nhảy dây, đá cầu tinh nghịch… Song, thứ mà cô bé nhỏ kia mê hơn cả là chẻ tre vót chuồn chuồn. Những con chuồn chuồn tre ban đầu cứ nằm bẹp, hoặc rơi gãy cánh. Sau này, nó biết cách cân đối nên giữ được thăng bằng, y như con thật, đặt ở đâu cũng được, thích lắm! Thực ra, Hiên mê con chuồn chuồn tre, mê luôn cả chơi với Ân bởi em biết rằng, Ân làm con chuồn chuồn tre là để vỗ về, an ủi và dỗ dành cái con bé có khuôn mặt không lành lặn, khiến nó khỏi tủi thân. Những con chuồn chuồn tre sau đó được vẽ lên cánh bông hoa bằng lăng. “Những bông hoa bằng lăng mang sắc tím dịu nhẹ, mơ hồ, êm đềm tựa giấc mơ đêm – ngọt ngào, ấm áp” – Ân nói với Hiên. Ân bảo chỉ vẽ theo những cánh hoa trên mặt Thanh Hiên, những cánh hoa tuyệt vời nhất. Hai đứa trẻ cô đơn, đứa mất mẹ, đứa mất đi gương mặt lành lặn, hàng ngày ở bên nhau, thủ thỉ cùng nhau, vui cười cùng nhau. Chúng tránh xa bọn trẻ con trong hẻm – những đứa ác mồm ác miệng đã cách ly tụi nó ra khỏi cái thế giới mà những đứa trẻ con đang sống. Vậy nên, Thanh Hiên và Ân có một thế giới riêng, thế giới mà bọn trẻ con ngoài kia không thể xâm nhập vào được.

Xem thêm:  Những nhận định hay về văn học và phong cách nhà văn (Phần 2)

– Cậu làm cho tớ 100 con chuồn chuồn tre nổi không, vẽ mỗi con là một cánh bằng lăng tím!Mà không, thêm cho tớ 5 con, 10 con nữa đi.

– Cậu cần gì mà nhiều thế?

– 100 con mới đủ, mai mốt có dịp, tớ thay bố mang xuống quê tặng nó cho mẹ, để nó xếp thành một rừng bằng lăng tím, mẹ hết giận bố, rồi tớ lại được sống chung với mẹ, với cả chị gái như xưa. Còn mấy con lẻ lẻ tớ tặng cho chị gái, chắc chị thích lắm…

Sau ngày hôm đó, Thanh Hiên luôn ngồi háo hức bên Ân, dưới gốc bằng lăng tím, hối thúc cậu bạn nhỏ làm chuồn chuồn tre. Nhưng mới làm tới con thứ 83 thì em chạy ào sang, khóc nức nở:

– Bố bảo tớ mai phải rời thành phố để xuống quê, bố nhớ chị gái quá!

– Thì cậu xuống rồi lại lên mà, chẳng lẽ cậu không nhớ chị gái sao?

– Có. Nhưng sao chị và mẹ không lên với tớ, mà bố lại dắt tớ về.

– Cậu xấu tính quá, không giống Thanh Hiên đâu. – Ân giả bộ cười để an ủi cô bạn nhỏ ngang bướng, cứng đầu.

– Tớ không xấu tính. Cậu có biết vậy là tớ đi luôn, không bao giờ gặp lại cậu nữa không?

Ân chợt khựng lại. Quả thật, chưa bao giờ cậu nghĩ tới điều đó, thực sự là không dám nghĩ. Ân với Thanh Hiên, hai đứa chơi với nhau đã quá lâu, đủ để hiểu hết tất cả về nhau, nay lại phải rời xa. Nghĩ đến đó thôi Ân đã trực trào nước mắt. Nhưng nghĩ tới cô bạn nhỏ vẫn đang đứng trước mặt, Ân không đủ can đảm òa lên. Cậu bé nắm chặt tay Thanh Hiên, ôm cô bé vào lòng rồi chạy ào về nhà, nhanh như một cơn gió.

Ngày hôm sau, quả thật, nguyên một chiếc xe tải đậu trước con hẻm, con hẻm nhỏ quá, chiếc xe không thể đi vào. Trên xe là tất cả đồ đạc trong nhà Thanh Hiên, trong nhà trốn huơ trống hoác, không còn đóng cửa, bọn trẻ con trong hẻm ùa vào thích thú. Ân chỉ kịp đưa cho Hiên 13 con chuồn chuồn tre vừa vẽ:

Xem thêm:  Tuần 22: Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào?

– Cậu mang xuống tặng mẹ, tặng chị, gia đình cậu sẽ lại hạnh phúc như xưa. Ở đây, tớ sẽ…

– Cậu hứa đi, hứa với tớ đi! Nhất định nhé… 4 con, không. 10 con…!!!

Chưa nói hết lời, Thanh Hiên đã nức nở! Ân vội gật đầu. Rồi nó trèo tót lên cây bằng lăng, hái một bông hoa tím biếc, cài lên mái tóc non tơ, đen óng của cô bạn nhỏ. Hai đứa trẻ ôm chầm lấy nhau. Hiên khóc, khóc như bao giờ được khóc. Ân vẫn vậy, vẫn thực hiện đúng lời hứa mà cậu đã từng nói: “Tớ là con trai, tớ không bao giờ khóc, tớ sẽ luôn bên cạnh cậu, bảo vệ cho cậu. Tớ hứa danh dự đấy.”

Xe nổ máy, chạy đi, rớt lại đằng sau là tiếng khóc khi Thanh Hiên nhoài người ra cửa để vẫy tay, Ân nghe thấy tiếng hét nghẹn ngào trong tiếng nấc:

– Mai mốt lớn, tớ lại về thăm cậu.

Sống mũi Ân cay cay. Hai khóe mắt đỏ hoe, hình như là hạt bụi, và, hình như, cậu đang khóc…

***

5. 10 năm sau, khi đang thả hồn theo gió dưới tán bằng lăng, đắm chìm trong thế giới âm nhạc du dương trầm bổng phát ra từ cây đàn, Ân chợt trông thấy xa xa có bóng người, từ từ bước vào con hẻm nhỏ, tới gốc bằng lăng tím, nơi Ân đang dạo lên khúc nhạc buồn.

– Hiên! Thanh Hiên!… – Ân kêu lên trong phút ngỡ ngàng, không biết có đúng không, hay do nắng hè làm bản thân cậu mơ hồ, ảo giác.

Và, đúng! Đúng là Thanh Hiên – cô bé có vết sẹo đẹp như những cánh bằng lăng.

– Ân! Ân ơi…

Hai đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn, chúng ào đến ôm chầm vào nhau, tíu tít như hồi còn bé. Thanh Hiên khóc, nước mắt của niềm hạnh phúc chứa chan, lan tỏa. Ân vẫn vậy, ở bên, xoa dịu. Cậu nhanh nhẹn trèo tót lên cây, hái bông bằng lăng đẹp nhất, cài lên mái tóc đen óng ả nơi mái đầu Hiên. Hiên thật đẹp, đẹp tựa cánh bằng lăng.

Đôi bạn trẻ say sưa, hòa mình vào tiếng đàn chan hòa, hạnh phúc dưới khoảng trời đâu đó mang tên “hạnh phúc”, dưới tán bằng lăng đang mùa nở rộ. Tất cả đẹp tựa một giấc mơ, chan chứa nắng vàng ấm áp, bình yên,  chan chứa gió hè mênh mông, êm ả, nơi đó có những cánh chuồn chuồn tre, và có cả những bông bằng lăng tím nhẹ tênh, thơ mộng. Giấc mơ mang tên “Bằng lăng tím”.

Phương Thảo

phuongthao952001@gmail.com

Post Comment