Đề thi Ngữ văn lớp 8

Đề thi Học sinh giỏi Văn 8 huyện Thủy Nguyên

Đề thi Học sinh giỏi Văn 8 huyện Thủy Nguyên

UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI 

MÔN: NGỮ VĂN 8

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1: (1,5 điểm).

Chiếc lá thường xuân (trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" – O. Hen-ri) mà cụ Bơ-men đã vẽ trên bức tường trong đêm mưa rét có phải là một kiệt tác không? Vì sao?

Câu 2: (2,5 điểm).

Hãy phân tích cái hay, cái đẹp mà em cảm nhận được từ bốn câu thơ sau:

"Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa

Trăng ơi trăng, hãy yên lặng cúi đầu

Suốt cuộc đời Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ"

                    (Chúng con canh giấc ngủ Bác, Bác Hồ ơi! – Hải Như)

Câu 3: (6,0 điểm).

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng nhân dịp Tết năm 1946, Bác Hồ viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội."

Em hiểu như thế nào về câu nói trên?

————— HẾT —————

 

HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG

Câu: (1,5 điểm).

– Yêu cầu trả lời câu hỏi dưới dạng một đoạn văn ngắn.

– Hình thức trình bày : 0,5 đ

– Nội dung   : ( 1đ)

            * Chiếc lá thường xuân mà cụ Bơ-men đã vẽ trên bức tường trong đêm mưa rét chính là một kiệt tác.vì:

            + Chiếc lá giống y như thật.

            + Chiếc lá ấy đã tạo ra sức mạnh, khơi dậy sự sống trong tâm hồn con người, cứu sống được Giôn-xi.

            + Chiếc lá ấy được vẽ tình thương bao la và lòng hi sinh cao cả của người hoạ sĩ già Bơ-men.

Câu 2: (2,5 điểm).

1. Về hình thức:  Đoạn văn phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt lưu loát; văn viết có cảm xúc.

  2. Về nội dung:  Cần nêu và phân tích được những đặc sắc nghệ thuật cũng như giá trị diễn đạt nội dung trong đoạn thơ:

Xem thêm:  Soạn bài phương pháp thuyết minh lớp 8

            + Nhân hóa: trăng được gọi như người (trăng ơi trăng), trăng cũng "bước nhẹ chân", "yên lặng cúi đầu", "canh giấc ngủ" (0,2 đ) –> Trăng cũng như con người, cùng nhà thơ và dòng người vào lăng viếng Bác. (0,15 đ) ; Trăng là người bạn thuỷ chung suốt chặng đường dài bất tử của Người (0,15 đ)

            + Điệp ngữ: "nhẹ", "trăng"  (0,2 đ)

                        – "Nhẹ": nhấn mạnh, thể hiện sự xúc động, tình cảm tha thiết của mọi người muốn giữ yên giấc ngủ cho Bác. (0,2 đ)

                        – "Trăng": Lời nhắn nhủ làm cho trăng trở nên gần gũi với người (0,2đ)

            + Ẩn dụ: "ngủ" (trong câu thơ thứ ba) (0,2 đ) –> Tấm lòng lo lắng cho dân cho nước suốt cuộc đời của Bác (0,2 đ) –> Ca ngợi sự hi sinh quên mình của Bác. (0,2 đ)

            + Nói giảm nói tránh: "ngủ" (trong câu thơ thứ tư) (0,2 đ) –> làm giảm sự đau thương khi nói về việc Bác đã mất (0,2 đ) –> Ca ngợi sự bất tử, Bác còn sống mãi. (0,2 đ).

            * Đoạn thơ là cách nói rất riêng và giàu cảm xúc về tình cảm của nhà thơ nói riêng và của nhân dân ta nói chung đối với Bác Hồ. (0,2 đ)

Câu 3: (6,0 điểm).

A. YÊU CẦU:

  a. Kỹ năng:

            – Làm đúng kiểu bài nghị luận xã hội.

            – Biết cách xây dựng và trình bày hệ thống luận điểm; sử dụng yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả một cách hợp lí.

            – Bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, mạch lạc.

            – Không mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…

  b. Nội dung:

            – Làm rõ quan điểm của Bác về tuổi trẻ qua câu nói: đề cao, ca ngợi vai trò của tuổi trẻ đối với xã hội.

Xem thêm:  Đề thi khảo sát chất lượng học sinh giỏi Văn 8 huyện Quế Sơn năm 2010-2011

            – Đưa ra được ý kiến về bổn phận, trách nhiệm của bản thân và thế hệ trẻ hiện nay.

            * Dàn ý tham khảo:

I. Mở bài:(0, 5đ )

            – Dẫn dắt vấn đề: Từ thực tế lịch sử dân tộc hoặc từ quy luật của thiên nhiên tạo hoá.

            – Nêu vấn đề: Quan điểm của Bác về tuổi trẻ: đề cao, ca ngợi vai trò của tuổi trẻ đối với xã hội.

II. Thân bài: ( 5 đ)

   1. Giải thích và chứng minh câu nói của Bác: (3 đ)

            a/ Một năm khởi đầu từ mùa xuân:1đ

            – Mùa xuân là mùa chuyển tiếp giữa đông và hè, xét theo thời gian, nó là mùa khởi đầu cho một năm.

            – Mùa xuân thường gợi lên ý niệm về sức sống, hi vọng, niềm vui và hạnh phúc.

            b/ Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ:1đ

            – Tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất của con người, đánh dấu sự trưởng thành của một đời người.

            – Tuổi trẻ cũng đồng nghĩa với mùa xuân của thiên nhiên tạo hoá, nó gợi lên ý niệm về sức sống, niềm vui, tương lai và hạnh phúc tràn đầy.

            – Tuổi trẻ là tuổi phát triển rực rỡ nhất về thể chất, tài năng, tâm hồn và trí tuệ.

            – Tuổi trẻ là tuổi hăng hái sôi nổi, giàu nhiệt tình, giàu chí tiến thủ, có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đạt tới mục đích và ước mơ cao cả, tự tạo cho mình một tương lai tươi sáng, góp phần xây dựng quê hương.

            c/ Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội:1 đ

            Tuổi trẻ của mỗi con người cùng góp lại sẽ tạo thành mùa xuân của xã hội. Vì:

            – Thế hệ trẻ luôn là sức sống, niềm hi vọng và tương lai của đất nước.

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh

            – Trong quá khứ: biết bao tấm gương các vị anh hùng liệt sĩ đã tạo nên cuộc sống và những trang sử hào hùng đầy sức xuân cho dân tộc.

            – Ngày nay: tuổi trẻ là lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh. Cuộc đời họ là những bài ca mùa xuân đất nước.

   2. Bổn phận, trách nhiệm của thanh niên, học sinh: 1đ

            – Làm tốt những công việc bình thường, cố gắng học tập và tu dưỡng đạo đức không ngừng.

            – Phải sống có mục đích cao cả, sống có ý nghĩa, lí tưởng vì dân vì nước. Lí tưởng ấy phải thể hiện ở suy nghĩ, lời nói và những việc làm cụ thể.

   3. Mở rộng:1đ

            – Lên án, phê phán những người để lãng phí tuổi trẻ của mình vào những việc làm vô bổ, vào những thú vui tầm thường, ích kỉ; chưa biết vươn lên trong cuộc sống; không biết phấn đấu, hành động vì xã hội,…

III. Kết bài:0,5 đ

            – Khẳng định lời nhắc nhở của Bác là rất chân thành và hoàn toàn đúng đắn.

            – Liên hệ và nêu suy nghĩ của bản thân….

B. TIÊU CHUẨN CHO ĐIỂM:

 + Đáp ứng những yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót nhỏ. –> (5 – 6 điểm).

 + Đáp ứng cơ bản những yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng; diễn đạt tương đối lưu loát. Còn lúng túng trong việc vận dụng kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm; mắc một số lỗi về chính tả hoặc diễn đạt. –> (3,0 – 4,5 điểm).

 + Bài làm nhìn chung tỏ ra hiểu đề. Xây dựng hệ thống luận điểm thiếu mạch lạc. Còn lúng túng trong cách diễn đạt. –> (1 – 2,5 điểm).

 + Sai lạc cơ bản về nội dung, phương pháp. –> (0,5 điểm).

Post Comment