Cách làm bài văn phân tích nhân vật trong ngữ văn lớp 9
Hướng dẫn
A.YÊU CẦU VỀ PHÂN TÍCH NHÂN VẬT
1.Nhân vật là trung tâm của các tác phẩm, là con người có tên, có tuổi, hoặc không có tên, tuổi (như gã bán tơ, chú tiểu đồng, trong thần thoại có thể là thần linh, ma quái hoặc các con vật hiền lành, hung dữ… hoặc nhân vật trữ tình trong thơ…) Đó là công trình nhà văn sáng tạo để biểu hiện về nhận thức, quan điểm về con người hay xã hội.
2.Để khám phá ra cái đẹp, cái hay trong tác phẩm văn học, người ta tiến hành phân tích lớp ngữ nghĩa, hình tượng chủ đề, kết cấu… nhưng quan trọng là phân tích nhân vật trong tác phẩm. ở lớp 8, yêu cầu phân tích nhân vật là phân tích đặc điểm tính cách (phẩm chất tiêu biểu, bản chất nhân vật được rút ra từ sự khắc hoạ, diễn tả của nhà văn biểu hiện trong tác phẩm). Từ đó dùng lí lẽ, dẫn chứng (lấy ngay trong tác phẩm) để đánh giá hoặc phát biểu cảm nghĩ của mình về nhân vật đó.
B.PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH NHÂN VẬT
-Trước khi phân tích nhân vật cần nắm rõ những điều sau đây:
•Nhân vật đó ở tác phẩm nào?
•Phân tích trọn vẹn nhân vật hay chỉ đi vào một chi tiết khía cạnh nào đó (Ví dụ phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ thì chỉ đi vào phân tích khía cạnh tự phát chống lại cường quyền, cái đẹp của lòng dũng cảm).
•Tìm hiểu xem nhân vật xuất hiện trong hoàn cảnh, lịch sử, xã hội, thời đại nào để có nhận xét, suy nghĩ chính xác và có quan điểm lịch sử đúng đắn.
-Trong khi phân tích cần nắm bắt những gì?
•Nhân vật sẽ xuất hiện dần lên khi ta đọc, tìm hiểu (thường gọi là quá trình tiếp xúc với tác phẩm) vì thế cần chú ý các chi tiết lần lượt xuất hiện.
•Phải nối kết các chi tiết hoặc tính cách nhân vật để tái hiện lại chân dung nhân vật (từ ngoại hình đến nội tâm) và ngoại cảnh để xem chúng đã góp phần làm nổi hình tượng như thế nào? (Ví dụ hoàn cảnh chị Dậu vừa bưng bát cháo đến cho chồng và đợi chồng ăn có ngon miệng không thì bọn “tay sai” ập đến).
•Nếu có nhiều nhân vật thì mối quan hệ với các nhân vật khác như thế nào? Hoặc mối quan hệ giữa người kể và nhân vật (như Tố Hữu kể về em Lượm).
•Các chi tiết về những diễn biến tâm hồn và hành động ra sao? Có hợp tình hợp lí không?
•Tính cách có hé mở một ẩn ý, dự cảm của tác giả không?
– Cuối cùng, khi phân tích nhân vật phải đưa ra những nhận định tổng quát có tính kết luận:
•Tính cách nhân vật như thế nào? Những nét tiêu biểu là gì? Nhân vật này có nét gì riêng khác với nhân vật kia?
•Qua nhân vật, tác giả muôn gửi gắm điều gì với cuộc sông.
•Cách lựa chọn và xây dựng nhân vật đã đóng góp gì về nhận thức và thẩm mĩ với người đọc và với chúng ta.
c. LẬP DÀN Ý MỘT BÀI VĂN PHÂN TÍCH NHÂN VẬT
Qua yêu cầu và phương pháp phân tích nhân vật trên đây, ta thấy được dàn ý của một bài văn phân tích có các phần về nội dung và hình thức như sau:
1.Mở bài: (Đặt vấn đề)
Giới thiệu khái quát xuất xứ của tác phẩm (nếu là đoạn trích thì từ tác phẩm nào, tác giả nào), nhân vật là hình tượng văn học hay là nhân vật có thật, có nguyên mẫu từ trong đời thực (như
Nam Cao lấy làng Đại Hoàng làm nguyên mẫu để xây dựng làng Vũ Đại và nhân vật Chí Phèo, lão Hạc là những người nghèo khó trong làng Đại Hoàng).
2.Thân bài: (Giải quyết vấn đề)
Việc trình bày phải làm bộc lộ từng khía cạnh khác nhau của nhân vật. Mỗi khía cạnh là một phần của thân bài. Khi đưa ra nhận xét cần có dẫn chứng, lí lẽ, cùng với việc nêu lên đặc điểm nghệ thuật và thái độ của tác giả.
3.Kết bài: (Kết thúc vấn đề)
Cần bày tỏ nhận định của mình đối với nhân vật một cách ngắn gọn, nhưng rõ ràng, sáng tỏ. Trước hết là từ nhân vật nghĩ đến cuộc đời của mình.
Nguồn: Vietvanhoctro.com
Thống kê tìm kiếm
- https://vanmau org/cach-lam-bai-van-phan-tich-nhan-vạt-trong-ngũ-van-lop-9 html