Đề bài: Anh/Chị hãy nêu suy nghĩ của mình về câu tục ngữ sau: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Bài làm
Trong cuộc sống của chúng ta, có khi nào ta thấy mình sống không chuẩn mực khi chỉ chú ý nhìn nhận đánh giá một con người,một sự vật bằng vẻ bề ngoài, vội vàng phán xét người khác có phải là người tốt hay không, rồi đến khi kết cục cuối cùng làm ta mới ngỡ ngàng. Chợt hiểu rằng sống với con mắt tinh tường là chưa đủ, mà phải cả trái tim, và lý trí mới đúng giá trị. Lúc đó,văng vẳng bên ta là câu tục ngữ xưa kia vọng về,vô cùng thấm thía “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Chúng ta học được gì từ bài học đầy tâm huyết của cha ông , trước hết ta hình dung trước mắt là hình ảnh về mối liên hệ thiết yếu tạo nên toàn bộ những giai đoạn về sau “Gỗ” và “nước sơn”. Những hình ảnh đơn giản, vật gắn bó với chúng ta, gỗ ở đây không ai không biết và tương tự sơn cũng vậy. Gỗ vật liệu làm nên đồ vật cho chúng ta sử dụng, có thể hiểu rằng nếu như ta có gỗ tốt ta sẽ có thể trong tay những đồ tốt, bền với thời gian, và ngược lại gỗ xấu thì vật dễ hư hỏng. Nước sơn dạng lỏng, nhiều màu sắc, phủ bên ngoài, dùng để trang trí cho gỗ, cho vật có giá trị thẩm mỹ cao, làm cho vật thêm đẹp, thêm bền. Nghĩa đen của câu này gợi mở cho ta suy nghĩ đúng đắn, khẳng đinh rằng: khi nhìn bất cứ một sự vật nào nên nhìn vào cái sâu trong, cái bản chất, chứ đừng để vẻ ngoài đánh lừa, đánh giá độ bền của gỗ phải nhớ kiểm tra chất lượng của gỗ, chứ không chỉ nhìn vào nước sơn bề ngoài đẹp. Liên tưởng rộng ra đến con người, người xưa quan niệm một phẩm chất đạo đức của con người quan trọng hơn vẻ bề ngoài rất nhiều.
Giá trị của câu nói này thật cao biết mấy, ông cha ta từ xưa đã hiểu được rằng lối sống, đạo đức nhân cách của một con người quyết định con người ấy có xứng đáng để kết giao, có phải là người tốt hay không. Dễ thấy được biểu hiện của một con người làm được việc, hoàn thành nó một cách tốt đẹp, chính là người đẹp nết, đạo đức tốt, có kiến thức. Nếu như chú trọng hình thức mà xem nhẹ tích lũy những tiêu chuẩn của một nhân cách tốt, đạo đức, lối sống, kiến thức sâu rộng thì sẽ trở thành con người không thể thành công được trong tương lai, hơn nữa còn có thể bị mọi người xa rời vì không thể dung hòa được nó. Vì vậy, không thể phủ nhận được vai trò rất quan trọng của phẩm chất của một con người
Trong xã hội, ta cũng cần phải cân nhắc trước vấn đề sẽ it ai hoàn hảo toàn diên hai mặt vì vậy họ sẽ phải chọn lựa rằng mình nên chọn làm nổi bật phần nào của câu nói kia. Có khi họ sẽ chọn nhầm đường, vì họ chọn con đường chú trọng bề ngoài quá nhiều nên dẫn đến sự thật đáng buồn rằng sẽ có những người bản chất xấu xa nhưng khéo lừa bịp bằng cái vỏ hào nhoáng, bảnh bao bên ngoài. Một kẻ bất tài thường đội lốt người hiểu biết. Một người độc ác thường nói lời đạo đức. Một khuôn mặt xinh đẹp nhưng chưa hẳn là đẹp hoàn toàn nếu có một tâm hồn không đẹp.. Vậy thì có lẽ, một con người ăn mặc tầm thường nhưng có tài năng, có đạo đức thì vẫn xứng đáng để được ta coi trọng, kính nể.
Thật vậy,con người có tư cách, có giáo dục tốt luôn được mọi người yêu quý và tin tưởng, và một trong vô số những tấm gương sáng để ta noi theo chính là Bác Hồ-vị anh hùng dân tộc phong thái hiền dịu, giản dị, chân chất đối với quê hương, với thế giới, không xa hoa, không khoa trương, không diện sang kể cả chức vụ có cao đến mấy. Quả thực xứng đáng là vị chủ tịch đáng kính của một nước độc lập, khiến không ai không nể phục,ngưỡng mộ, học tập, tiếng tăm về người vẫn còn vang vọng mãi đến hàng ngàn đời, cũng là nhờ sự kiên trì, tu dưỡng đạo đức, chăm học hỏi, giao tiếp, giúp đỡ đồng bào,không hề ngai khó ngại khổ, sẵn sàng lăn xả vào mọi “chiến trường” ác liệt nhất…Ở Bác chúng ta hội đủ phẩm chất tốt, đạo đức tốt, dung hòa với cả hình thức bề ngoài lịch sự khi ngoại giao, nhã nhặn, giản dị với quần chúng trên khắp thế giới, ở Bác ta hiểu được rằng giàu có về hình thức, vật chất không thể hơn được sự trau dồi, tích lũy về lượng kiến thức ta học, là phẩm chất đẹp ta nuôi dưỡng , là bài học giao tiếp để áp dụng cho công việc, gia đình, cộng đồng.
Có thể nói sự dung hòa hai vế “tốt gỗ” và “tốt nước sơn” trong câu nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ở thời đại này lại càng cần thiết, vì ta cần hiểu được rằng một xã hội phát triển, con người không thể để quên vẻ đẹp bên ngoài. Ở đây không gọi là trái với ý nghĩa câu nói, mà nó giúp ta nhận thức được chỉ cần một chút thay đổi nhẹ nhàng, không thái quá, đầy lịch sự, tử tế, biết cách làm đẹp cả trí tuệ và một chút về vẻ đẹp hình thức sẽ giúp ta tạo được thiện cảm, những mối quan hệ tốt đẹp hơn, giúp diện mạo xã hội đi lên. Ta có thể lấy ví dụ, rằng một cái tủ được làm bằng chất gỗ tốt mà lại có nước sơn bong loáng hẵn làm ta vừa lòng và sẵn sàng bỏ tiền ra để có được nó. Tương tự như một con người có học vấn, đạo đức có cách ăn nói lịch sự, thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ, phù hợp kinh tế của họ càng làm cho ta thêm quý trọng hơn là con người tuy có đạo đức nhưng cục cằn, thô lỗ, ăn mặc xốc xếch.
Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em tự thấy rằng mình phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức sao cho tốt, kết hợp với học tập tích cực để hoàn thiện nhân cách của người học trò.Tất cả phải dựa vào thực lực của bản thân, không vì quá chú trọng vẻ bề ngoài vay mượn, hào nhoáng, mà phải gắng sức trau dồi làm đẹp từ trong ra ngoài, làm đẹp cái giá trị cốt lõi một con người.
Thông qua câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” rất giàu triêt lý ấy, ta sẽ nhận thấy rằng mình sẽ có được cách nhìn nhận một con người thông qua bài học làm người của người xưa.Và nếu ai cũng có thể rèn luyện như bài học đó, làm cho phẩm chất bản thân tốt hơn từng ngày rồi dần dần biết áp dụng vào cuộc sống ngày nay,chắc chắn rằng một xã hội cũng sẽ văn minh lên trong thời gian ngắn.